Ở tuổi 56, Jo Nemeth (người Australia) sống một cuộc đời mà nhiều người cho là không tưởng: Không nhà cửa, không tài sản, không thu nhập, không trợ cấp xã hội và không dùng đến tiền.
Khởi đầu một hành trình dị biệt
Mười năm trước, Jo Nemeth có một công việc ổn định trong lĩnh vực phát triển cộng đồng. Không thiếu thốn vật chất, nhưng bên trong, Jo cảm thấy ngày càng tuyệt vọng.
“Tôi đã cố gắng tiêu dùng có đạo đức, chọn mua sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường… nhưng tôi vẫn cảm thấy mình đang góp phần gây hại”, cô kể.
Đến khi Jo đọc quyển The Moneyless Man: A Year of Freeconomic Living của Mark Boyle, với câu chuyện về một người đàn ông sống 3 năm không dùng tiền ở Anh, Jo quyết định thay đổi lối sống.
Cô bắt đầu bằng việc lập danh sách những nhu cầu thiết yếu của bản thân. “Tôi đã có nồi niêu, bàn chải, quần áo… Tôi nhận ra mình chẳng cần nhiều để sống thoải mái. Cứ thế, tôi gạch bỏ từng thứ khỏi danh sách, tìm cách thay thế mà không dùng tiền”, cô nói.
Jo tự làm bột giặt để tiết kiệm tiền và giảm thiểu tác động đến môi trường (Ảnh: The Guardian).
Ban đầu, thức ăn là mối lo lớn nhất với Jo nhưng cô nhanh chóng nhận ra bản thân không cần tiền vẫn có thể ăn no. Cô trồng rau, nhận thực phẩm thừa từ bạn bè, thậm chí xin một bao gạo 5kg từ cha mẹ mỗi dịp sinh nhật.
Cô dần hòa mình vào “nền kinh tế quà tặng”, nơi người cho đi không mong được đáp lại và người nhận không có cảm giác nợ nần. Jo chia sẻ: “Phần khó nhất là học cách đón nhận. Nhiều người đề nghị trao đổi, nhưng tôi phải giải thích rằng, tôi giúp vì tôi muốn, không cần phải đáp lại”.
Không có tiền, nhưng chưa từng sợ mất mát
Ở tuổi trung niên, Jo chưa từng cảm thấy bất an. Cô tin rằng an toàn không đến từ tài khoản ngân hàng, mà từ cộng đồng.
Cô bày tỏ: “Khi còn đi làm, tôi luôn lo lắng mất việc, mất nhà. Giờ đây, tôi có thời gian để xây dựng “tiền tệ xã hội” bằng việc trông trẻ, chăm bạn ốm, làm vườn, giúp mọi người… Và khi cần, họ cũng giúp tôi lại. Đó là sự trao đổi vô hình, nhưng rất thực tế”.
Jo từng sống trong một chiếc chòi dựng từ vật liệu phế thải ở trang trại của bạn mình, sau đó chuyển đến một chiếc xe cũ đậu trong sân sau nhà người quen.
Từ năm 2018, Jo và con gái, con rể, cùng 3 cháu ngoại chuyển đến sống cùng gia đình người bạn thân Brodie ở thành phố Lismore, bang New South Wales, Australia.
Jo không trả tiền thuê nhà, nhưng đóng góp bằng công sức như nấu ăn, chăm vườn, làm xà phòng, bột giặt, thực phẩm lên men… Tất cả để giảm chi tiêu và giảm tác động môi trường.
Amy – con gái Jo – từng nghi ngờ mẹ sẽ không sống nổi khi không có tiền. Nhưng sau khi sống cùng mẹ, cô thay đổi hoàn toàn quan điểm.
“Mẹ cho tôi thấy tiền không phải thước đo duy nhất. Nếu quy đổi công việc mẹ làm thành tiền, có khi mẹ còn đóng góp nhiều hơn cả tiền thuê nhà chúng tôi trả”, Amy nói.
Còn Brodie – người từng mất chồng và mất phương hướng – giờ xem Jo như một hình mẫu. Cô nói: “Chúng tôi sống đơn giản hơn trước rất nhiều. Không còn chocolate mỗi ngày nhưng khi ai đó tặng, chúng tôi trân quý nó gấp bội phần. Cảm giác đó mới là sự đủ đầy”.
Về phần mình, Jo khẳng định cô không chống đối tiền bạc hay công nghệ. Khi cần làm răng, cô mở lớp dạy làm đậu hũ để quyên góp chi phí. Cô có một chiếc điện thoại được tặng, nhưng không dùng SIM hay gói cước, chỉ kết nối wifi. Ngoài ra, cô vẫn lên Facebook để tìm đồ miễn phí và chia sẻ về vườn cộng đồng nơi mình tình nguyện.
Jo đang sửa lại căn chòi nhỏ chỉ đủ chỗ cho chiếc giường đơn, sẵn sàng cho cuộc sống không điện, không nước, chỉ có ánh nến và thiên nhiên. “Tôi muốn kết nối lại với thực tại, với trăng, sao, mặt trời và tiếng chim. Sống trong nhà lớn đôi khi tôi quên mất mình đang sống”, cô nói.
Với Brodie, Jo không chỉ là người bạn mà là “người mở đường”. Brodie nói: “Jo chọn cách sống cực đoan để khiến chúng ta nhìn lại mình. Và tôi tin, sớm muộn gì, tất cả chúng ta sẽ phải sống như cô ấy, đơn giản hơn, tự tay làm lấy mọi thứ và giúp đỡ nhau nhiều hơn”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/nguoi-phu-nu-10-nam-song-khong-dung-tien-khong-can-nha-cua