TIN TỨC

Đám cưới ngày lụt: Chú rể bì bõm lột nước đón nàng về dinh, sính lễ chở bằng thuyền trên đường bộ

Mới đây, hình ảnh chú rể Bắc Ninh cầm hoa cưới, dàn phù rể bê tráp cưới cùng các quan khách bì bõm lội nước sang nhà gái đón dâu đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đám cưới diễn ra đúng thời điểm mưa bão và ngập lụt lịch sử ở nhiều địa phương miền Bắc.

Được biết, dù đã được thông báo trước về tình trạng bão lũ, ngập lụt nhưng nhiều cặp đôi vẫn quyết định tổ chức đám cưới đúng ngày vì trước đó đã dành nhiều thời gian, tâm huyết chuẩn bị cho ngày vui của mình.

Sau đó, loạt ảnh và video về một đám cưới ngày lụt lội tại Bắc Ninh do nhiếp ảnh gia Phạm Chi Ba (SN 1998, quê Bắc Ninh) đăng tải thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân mạng.

Chú rể cùng đoàn phù rể và các quan khách lội nước vào nhà cô dâu, ảnh: Anh Phạm Chi Ba

Hình ảnh đám cưới đặc biệt ở Bắc Ninh

Sáng 10/9, P. cùng dàn phù rể và 15 thành viên đại diện nhà trai sang nhà gái đón dâu. Vì đoạn đường vào nhà gái ngập nặng nên nhà trai phải lội nước khoảng hơn chục mét mới đến được nhà gái.

Trong đó, gây chú ý hơn cả là hình ảnh chú rể cầm hoa cưới, dàn phù rể bê tráp cưới cùng các quan khách bì bõm lội nước sang nhà gái rước dâu.

Đoạn đường lội nước vào nhà gái khá xa nên dàn phù rể cũng phải dùng xuồng nhỏ chở tráp cưới. Các quan khách người ôm váy, người xắn quần vượt đoạn đường ngập tiến vào nhà gái. Dù khá gian nan vất vả nhưng ai nấy đều rạng rỡ, phấn khởi khi hộ tống chú rể đón cô dâu về nhà.

Tráp được đưa lên thuyền để chở vào nhà cô dâu, dù vất vả nhưng ai cũng cười tươi để chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, ảnh: Anh BA

Dân mạng để lại nhiều bình luận thú vị về đám cưới ngày lụt: “Đám cưới đáng nhớ thế này sau lại có kỷ niệm đẹp kể cho con cháu nghe”; “Khoảnh khắc này đúng là cả đời không thể quên”; “Để lấy được nàng thì lội nước anh cũng không màng”…

Cô dâu chú rể trong đám cưới gây chú ý là D.T.L và N.V.P.

P. và L. tổ chức đám hỏi và đám cưới trong cùng một ngày. Nhà trai ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, không bị ngập nên vẫn tổ chức lễ cưới, đãi cỗ khách khứa như bình thường. Riêng nhà gái vì ngập quá sâu nên chỉ tổ chức đưa dâu chứ không mở cỗ.

Chia sẻ về đám cưới của mình, chú rể cho hay: Vì hai bên gia đình đã ấn định ngày cưới từ khá lâu nên dù tình hình lụt lội, cặp đôi vẫn tổ chức đám cưới đúng như dự định.

Nhiều người cho rằng đây là đám cưới hiếm có trong lịch sử
Dàn phù rể dùng xuồng hỗ trợ chở tráp cưới vào trong. Chú rể cùng các quan khách phải xắn quần, ôm váy lội qua đoạn đường ngập lưng ống chân vào đón cô dâu. Cô dâu mặc áo dài được chú rể cõng qua đoạn đường ngập, đến khi sang nhà trai mới thay váy cưới.

“Dù gian nan nhưng mọi người vẫn rất vui vẻ cùng mình đi đón vợ. Mình rất cảm ơn người thân và bạn bè đã hết lòng cho ngày vui của mình”, chú rể chia sẻ

Bản thân P. có chút buồn khi cưới đúng vào ngày ngập lụt nhưng anh vẫn cảm thấy may mắn vì đám cưới diễn ra suôn sẻ.

Cô dâu cười tươi hạnh phúc trong ngày trọng đại rất đặc biệt của mình, ảnh: anh BA

Anh Phạm Chi Ba (người thực hiện loạt ảnh, video đám cưới ngày lũ) cho hay, trong 3 năm làm nghề đây là lần đầu tiên anh thực hiện một bộ ảnh phóng sự cưới vào ngày ngập lụt.

“Nhìn cảnh ngập lụt mình vừa lo lắng chuyện tác nghiệp, vừa thương cho cô dâu, chú rể vất vả tổ chức ngày vui. Thế nhưng, mình vẫn cố gắng hết sức để lưu lại những hình ảnh đẹp nhất, đáng nhớ nhất cho đôi bạn trẻ”.

Chú rể cõng vợ về dinh, ảnh: anh Ba

“Hy vọng lũ nhanh rút để người dân trên quê hương Bắc Ninh và mọi miền đất nước được trở lại cuộc sống bình thường”, anh Ba nói thêm.

Tại tỉnh Bắc Ninh, mực nước trên sông Cầu tiếp tục dâng cao. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phát lệnh báo động số 3 trên triền sông Cầu từ 9h ngày 10/9.

Công tác ứng trực, gia cố hệ thống đê bao thuộc địa phận phường Hòa Long (TP Bắc Ninh) được thực hiện nghiêm túc, không chủ quan, lơ là.

50 cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Bắc Ninh) cùng gần 1.000 người dân đã tham gia chống lũ từ chiều 10/9 đến gần 2h ngày 11/9. Hiện tại, việc gia cố hệ thống đê bối tại khu phố Đẩu Hàn (450 hộ với gần 2.000 nhân khẩu, nằm phía ngoài đê sông Cầu) cơ bản bảo đảm yêu cầu phòng chống lũ của cơ quan chuyên môn đặt ra.

Tuyến đê bối khu phố Đẩu Hàn dài 2,3km, cao trình tại điểm thấp nhất đạt 7,1m (cao hơn mức báo động 3 là 80cm), điểm cao nhất đạt cao trình 8m (cao hơn mức báo động 3 là 1,7m).

Tuyến đê đã được ngành chức năng và địa phương đầu tư bê tông hóa để đáp ứng yêu cầu về giao thông và bảo đảm công tác phòng chống lũ lụt từ những năm 2010.

Nguồn: webtretho

LEAVE A RESPONSE

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *