Những người trẻ thổi sinh khí cho nông thôn TQ

Những người trẻ thổi sinh khí cho nông thôn TQ

Thuộc thế hệ 9x, Wang Lingli từng không tưởng tượng đến cảnh mình làm nghề nông, nhưng hiện nay cô quản lý 4 trang trại với hơn 430 ha.

Wang nối nghiệp bố, một trong những quản lý trang trại đầu tiên ở thành phố Trùng Châu, tỉnh Tứ Xuyên. Cô quyết định đi theo con đường này sau khi tốt nghiệp đại học năm 2015. Trang trại đầu tiên mà Wang quản lý có diện tích 3.000 mẫu (200 ha). Theo hệ thống đo lường Trung Quốc, một mẫu tương đương hơn 666 m2.

Sau 9 năm, cô gái đã là một quản lý giàu kinh nghiệm, điều hành 4 trang trại. “Tôi chỉ muốn trồng trọt thật tốt và nhận ra giá trị bản thân trong quá trình làm nông”, Wang nói.

Điểm khác biệt giữa cô và bố hay những nông dân khác là ý thức nâng cao hiệu quả canh tác bằng cách sử dụng máy móc và công nghệ tiên tiến. Trong hợp tác xã cô quản lý, có hơn 40 thiết bị máy móc cỡ lớn, trong đó có máy cấy lúa, giúp hoạt động gieo hạt, cấy, thu hoạch và sấy khô cơ giới hóa hoàn toàn. Nhờ máy móc, chỉ có 20 người làm việc trên 6.500 mẫu (433 hecta) đất trong mùa vụ bận rộn nhất.

Wang cũng chú trọng tới cải tiến giống cây trồng và trồng các giống mới, chất lượng cao, để tăng giá trị gạo. Giá một kg gạo bán chạy của cô là 3,2 tệ (gần 0,4 USD), cao hơn 0,6 tệ so với giá thu mua bình thường.

Những nỗ lực của Wang đã được đền đáp. Năm 2023, các hợp tác xã của Wang ghi nhận năng suất tăng 25 kg một mẫu. Thu nhập của nông dân là hơn 5.000 tệ (800 USD) mỗi tháng trong thời kỳ cao điểm, còn lao động vận hành máy móc có thu nhập 300-400 tệ một ngày (40-55 USD).

Những quản lý như Wang được gọi là “nông dân kiểu mới”, đa phần là thanh niên có trình độ học vấn cao, nhiều ý tưởng và kỹ năng mới, đồng thời nhận thấy nhiều cơ hội việc làm hơn ở vùng nông thôn so với thành phố lớn.

Những nông dân kiểu mới này trở thành lực lượng quan trọng, thổi sinh khí mới vào nỗ lực tái thiết nông thôn Trung Quốc trong những năm gần đây bằng cách giải quyết thách thức nhờ các giải pháp sáng tạo. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho thấy cuối năm 2020, khoảng 10 triệu người đã về nông thôn khởi nghiệp và con số này ước tính hơn 15 triệu năm 2025.

Xu hướng này trùng với thời điểm Trung Quốc đang củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo, đồng thời khởi xướng công cuộc tái thiết nông thôn sau khi đưa gần 99 triệu người dân nông thôn thoát đói nghèo năm 2020.

Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ, phương thức sản xuất nông nghiệp đã chuyển đổi theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ và quản lý tiên tiến thay cho phương thức truyền thống là dựa vào lao động chân tay.

Nền nông nghiệp hiện đại thu hút những nông dân kiểu mới am hiểu công nghệ, Wang là một trong số này.

“Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục tập trung vào sản xuất nông nghiệp địa phương, hy vọng sẽ canh tác các giống gạo chất lượng cao hơn nhờ phát triển giống chất lượng cao, sử dụng công nghệ và máy móc, từ đó tăng thêm thu nhập cho người lao động trong hợp tác xã”, Wang nói.

Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho thấy tỷ lệ đóng góp của tiến bộ khoa học và công nghệ vào ngành nông nghiệp đạt 62,4% năm 2022. Báo cáo Công tác Chính phủ năm 2023 cho thấy tỷ lệ cơ giới hóa trong cày bừa, cấy giống và thu hoạch đã tăng từ 67% năm 2018 lên 73% năm 2022.

Hồi đầu tháng 2, Trung Quốc công bố “tài liệu trọng tâm số 1” cho năm 2024, nêu rõ ưu tiên thúc đẩy toàn diện quá trình tái thiết nông thôn trong năm nay. Tài liệu kêu gọi tăng cường vai trò của khoa học công nghệ trong thúc đẩy tái thiết nông thôn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của thu hút và đào tạo nhân lực.

Quan điểm này được những người như Wang ủng hộ. Tuy nhiên, cô cho hay hợp tác xã đang thiếu nhân tài, đặc biệt là nông dân chuyên nghiệp. Cô đặt câu hỏi: “Nếu mời được họ về, những người tài này sẽ ở đâu? Bởi đa số các hợp tác xã không cung cấp chỗ ở cho nhân viên, đa số nhân viên hiện nay là người địa phương có nhà ở khu vực lân cận”.

Huang Li, một người trồng chè sơn trà ở Trùng Châu, cũng gặp khó khăn trong tuyển dụng người tài và tiếp thị sản phẩm. Huang cho hay đa số người lao động trong hợp tác xã chè đều là người nhà hoặc họ hàng.

Do cơ sở hạ tầng ở nông thôn thường nghèo nàn, thiếu người tài, Huang cho hay vẫn chờ để xây một xưởng giới thiệu về chè cạnh vườn, hoặc phát triển một số chương trình tham quan.

Song Qing, thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc ở Tô Châu, phía đông đất nước, đồng quan điểm rằng Trung Quốc đang thiếu nhân tài trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Bà cho hay số lượng và chất lượng người tài ở nông thôn cần cải thiện sau khi nghiên cứu thực địa các hợp tác xã nông nghiệp ở Tô Châu.

Nhận thấy nguồn lực nông thôn không đủ và ngày càng giảm, Song cho hay số lượng nông dân kiểu mới vẫn tương đối ít để phục vụ nỗ lực tái thiết nông thôn. Để cải thiện, bà đề nghị thúc đẩy đào tạo sinh viên ngành nông nghiệp và đào tạo nông dân kiểu mới trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp.

Nguồn: vnexpress.net/nhung-nguoi-tre-thoi-sinh-khi-cho-nong-thon-trung-quoc

 

admin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *