Bố mẹ đăng video ăn mừng con đỗ Đại học lên mạng: Vô tình trở thành chủ đề bàn tán khiến gia đình muối mặt
Mới đây, một gia đình đã đặt nhiều bàn tiệc để chúc mừng con gái đỗ đại học Chiết Giang. Trong không khí hân hoan của đại gia đình, bố mẹ muốn chuẩn bị cho con bữa tiệc ăn mừng thật hoành tráng và chu toàn. Chính vì vậy, mỗi món ăn đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, ngay cả cách trang trí, bày biện cũng hết sức cầu kì.
Ngoài họ hàng và bạn bè, bố mẹ cô bé còn mời tất cả các thầy cô giáo đã dạy dỗ từ khi cô bé còn học tiểu học đến cấp ba tham dự bữa tiệc đáng nhớ này. Họ rất cẩn thận đã tự tay gửi những tấm thiệp mời tới các thầy cô giáo của con!
Tuy nhiên, khi bữa tiệc bắt đầu, nữ sinh và gia đình cô rất ngạc nhiên khi phát hiện không có bất kỳ thầy cô nào đến dự. Những chỗ ngồi dành cho các thầy cô giáo trống không. Điều này khiến cha mẹ cô bé cảm thấy chút sượng sùng và thất vọng nhưng họ vẫn cố gắng giấu cảm xúc và tiếp tục bữa tiệc vui vẻ với những người đã có mặt để chúc mừng.
Bàn tiệc dành cho các thầy cô giáo không ai đến, ảnh: SH
Sau khi bữa tiệc kết thúc, cha mẹ cô bé đã đăng tải video của bữa tiệc lên tài khoản mạng xã hội để lưu giữ kỷ niệm. Nhưng không ai ngờ rằng, đoạn video đã trở thành chủ đề bàn tán của mọi người khi nhiều cư dân mạng phát hiện ra điều bất thường giấy báo nhập học của cô bé này.
Cụ thể là sau khi xem video, một số người phát hiện ra tờ giấy báo đỗ của cô bé này có vấn đề. Hóa ra, trường đại học mà cô gái đỗ không phải là trường Đại học Chiết Giang mà mọi người nghĩ đến!
Thực tế, trường này không phải là trường danh tiếng mà mọi người vẫn nghĩ, mà là một trường đại học tầm trung. Trước đây, đó là một trường đại học nhỏ, sau đó được Đại học Chiết Giang sáp nhập và đổi tên thành Đại học Thành phố trực thuộc Đại học Chiết Giang.
Mặc dù có sự giống nhau về tên gọi với Đại học Chiết Giang, nhưng hai trường này thực chất có sự khác biệt lớn.
Đại học Chiết Giang là một trong những trường hàng đầu của Trung Quốc. Có người còn châm biếm rằng đây là hành động “treo đầu dê bán thịt chó” điển hình. Một số người cho rằng đây có thể là lý do khiến các thầy cô không đến tham dự bữa tiệc.
Đặc biệt, một luồng ý kiến cho rằng, việc ăn mừng đỗ vào một trường như vậy là không phù hợp, thậm chí có thể gây hiểu lầm cho các học sinh và phụ huynh khác.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người lên tiếng bảo vệ gia đình này và trường học. Một nhóm người ủng hộ đã khẳng định công sức mà gia đình đã bỏ ra cho việc giáo dục con cái. Họ tin rằng dù đỗ vào trường đại học nào cũng là một thành tựu đáng ghi nhận.
Người mẹ và con gái trong bữa tiệc ăn mừng, ảnh: dSD
Họ nhấn mạnh rằng, mặc dù Đại học Thành phố trực thuộc Đại học Chiết Giang không phải là một cơ sở giáo dục hàng đầu, nhưng trong những năm gần đây nó đã có những tiến bộ đáng kể về chất lượng giảng dạy và cơ hội việc làm cho sinh viên.
Trong những năm gần đây, ở Trung Quốc, cùng với sự phổ cập của giáo dục đại học, “tâm lý ham muốn vào trường danh tiếng” đã trở thành một chủ đề được quan tâm. Nhiều người quá chú trọng vào tiếng tăm và thứ hạng của các trường học, cho rằng chỉ khi vào được trường danh tiếng mới có cơ hội phát triển tốt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, các em học sinh và phụ huynh không nên chỉ quan tâm danh tiếng của trường học. Danh tiếng quả thực quan trọng, nhưng điều cần quan tâm hơn là trường đó có thực sự phù hợp với bản thân hay không.
Tiếp theo, nên chọn một ngành đào tạo phù hợp với điều kiện cá nhân, bao gồm xem xét đến sở thích, khả năng học tập và kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai. Dĩ nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải xem xét chất lượng giáo dục thực tế của trường đại học đó.
Có nên tổ chức ăn mừng khi con cái đỗ đại học không
Con em vào đại học là niềm vui lớn đối với mỗi gia đình, tổ chức liên hoan để có dịp chia sẻ niềm vui với mọi người là điều chính đáng.
Hiện nay, một số gia đình có quan niệm rằng liên hoan mừng con vào đại học là dịp để “biểu dương lực lượng”, thể hiện cho mọi người biết về truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ.
Nhiều gia đình không ngần ngại bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ, tổ chức ăn uống linh đình trong nhiều ngày với chủ trương tổ chức “liên hoan to”. Đối tượng khách mới được mở rộng: anh em trong gia đình; thông gia nội ngoại; đông nghiệp trong cơ quan; lãnh đạo khối, xóm; bạn bè của con…
Đối với những gia đình có “của ăn, của để”, việc tổ chức một cuộc liên hoan như vậy chỉ là “chuyện nhỏ”. Nhưng đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì không hề “nhỏ”. Như một “phản ứng dây chuyền” và muốn được “bằng người”, thậm chí một số gia đình đã phải đi… vay nợ để tổ chức liên hoan mừng ngày “đại hỷ” của con.
Thực ra, nên tổ chức liên hoan như thế nào cho phù hợp và thực sự có ý nghĩa lại là điều đáng phải suy nghĩ. Nên chăng, cần căn cứ vào hoàn cảnh của từng gia đình để quyết định nên tổ chức liên hoan như thế nào cho thích hợp, tránh việc chạy theo “phong trào”.
Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tốt nhất là nên tổ chức liên hoan trong nội bộ gia đình. Chi phí để tổ chức “ăn mừng lớn” nên dành để trang trải việc học hành của con em, bởi chặng đường học tập trước mắt vẫn còn dài với rất nhiều khoản phải chi tiêu: tiền học phí, tiền ăn, tiền nhà trọ (đối với những sinh viên xa nhà).