Mình đọc được thông tin này trên báo và thật sự đã khóc mọi người ạ!
Trẻ em trên khắp thế giới này, dù là ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng là những đứa trẻ ngây thơ không hề có lỗi gì. Nhưng cuộc sống lại chẳng bao giờ công bằng cho tất cả nên không ít lần những đứa trẻ đã phải chịu thiệt thòi…mặc dù vậy, sự ra đi của em càng khiến người ở lại nghẹn ngào vì quyết định làm một việc ý nghĩa cuối cùng!
Cụ thể tờ HK01 đưa tin, vào một ngày đầu tháng 5, cô bé Huỳnh Chỉ Di bị một xe tải tông mạnh khi em đang chơi trong khu dân cư. Sau vụ tai nạn, bé gái bị thương nặng và bất tỉnh được đưa đến Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em, trực thuộc Đại học Ninh Ba để cấp cứu.
Dù các nhân viên y tế đã tận tình cứu chữa, bé Chỉ Di đã bị chết não do thiếu máu não và oxy quá lâu sau vụ va chạm nghiêm trọng. Bác sĩ buộc phải thông báo tin buồn với gia đình bệnh nhi.
Người mẹ sau khi nhận tin dữ đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định hiến tạng của con gái để nhiều gia đình có con em bị bệnh không phải chịu nỗi đau đớn tột cùng khi mất đi người thân. Mẹ của Chỉ Di mong muốn sẽ có những đứa trẻ được cứu sống để tiếp tục tương lai phía trước, điều mà con gái cô không thể làm được.
Người mẹ cho biết thêm, con gái cô luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác và ước mơ lớn nhất của Chỉ Di là khi lớn lên sẽ trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người. Bây giờ, gia đình sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở của em để cứu mạng sống cho những người khác. Mẹ Chỉ Di tin rằng con gái cô sẽ nhất định đồng ý với việc hiến tạng này.
Hình ảnh chụp lại khoảnh khắc cuối cùng khi cha mẹ nói lời tạm biệt trước khi đưa cô bé vào phòng phẫu thuật, ảnh: DS
Cuối tháng 5 vừa qua, cô bé Chỉ Di qua đời lúc 23h46 và được phẫu thuật hiến tạng ngay lập tức. Trước khi chia tay con gái, cha mẹ bé đã ôm hôn và vuốt ve gương mặt em nhiều lần rồi nói: “Chỉ Di, bố mẹ đã thay con đưa ra quyết định này. Về sau, sự sống của con sẽ được tiếp diễn trong cơ thể của những bạn nhỏ khác”.
Lúc này, bé gái trông như đang ngủ với mái tóc đen và hàng mi dài. Cặp sách quen thuộc và những món đồ chơi em yêu thích được đặt ở giường bệnh. Vài phút sau, em được đưa vào phòng phẫu thuật. Đội ngũ y tế đều trang trọng cúi đầu cảm ơn Chỉ Di và nói lời tạm biệt em trước khi tiến hành phẫu thuật hiến tạng.
Theo bệnh viện, bé gái xấu số đã hiến gan, thận và giác mạc, mang lại hy vọng sống cho ít nhất 3 em bé bị bệnh nặng và giúp 2 bệnh nhân bị khiếm thị có thể nhìn thấy ánh sáng trở lại. Bé gái đáng yêu và tốt bụng này đã tiếp tục sự sống theo cách đặc biệt ý nghĩa như vậy.
Tờ QQ Trung Quốc đưa tin, cha của Chỉ Di làm nghề chuyển phát nhanh còn mẹ em là một nhân viên văn phòng. Gia đình em có cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc. Trước khi qua đời, Chỉ Di là một học sinh lớp 2, có thành tích học tập tốt.
Cảm ơn con gái nhỏ, ảnh minh họa, nguồn: DSD
Cha mẹ em đã không ngừng xem lại ảnh và video của con gái trên điện thoại, để vơi đi nỗi nhớ con. Họ hy vọng rằng, những đứa trẻ được cứu sống sẽ có một cuộc đời bình an và mạnh khỏe về sau.
Mời bà con đọc thêm thông tin: Những điều cần hiểu về ‘hiến tạng’
Hiến tạng là nghĩa cử cao đẹp mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác. Người đã chết não được khuyến khích hiến tạng để cứu sống nhiều người mắc bệnh nan y cần ghép tạng nhưng hiện số ca hiến tạng của người đã chết não không nhiều.
Do đó, nguồn tạng hiến để thực hiện các ca ghép tạng hiện nay còn đến từ người sống, thường là người thân ruột thịt của bệnh nhân hiến cho thân nhân của mình. Dù hình thức hiến tạng này không được khuyến khích nhưng để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người đã hiến tạng, nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ y tế cho họ, một trong số đó là được cấp thẻ BHYT suốt đời.
Quy định này được nhắc đến lần đầu trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006. Cụ thể, điểm b khoản 2 điều 17 của luật này quy định quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người là được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Quy định này được cụ thể hóa tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Tại khoản 14 điều 3 của Nghị định 146 quy định BHYT của người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng do ngân sách nhà nước đóng.
Tại khoản 4 điều 11 Nghị định 146 quy định: “Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) căn cứ giấy ra viện do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hiến bộ phận cơ thể cấp cho đối tượng này để cấp thẻ BHYT”.