Nên nhớ, dù có thân thiết đến đâu thì bạn vẫn là khách. Nhà ở là không gian riêng tư đặc biệt không ai muốn bị xêm phạm cả bạn cũng vậy, bởi thế đừng làm chủ nhà khó chịu và khó xử vì những việc làm ‘kém duyên’ của mình.
Thoải mái mở tủ lạnh
Bạn nghĩ đơn giản rằng việc mở tủ lạnh để kiếm thứ gì đó hợp khẩu vị là bình thường nhưng việc làm này sẽ khiến chủ nhà ái ngại. Thay vì có hành động khiếm nhã như vậy, tốt nhất bạn nên giãi bày rằng mình đói hoặc “đề xuất khéo” là ra ngoài đi ăn. Còn nếu bạn đang ăn kiêng, việc đề nghị một thực đơn cụ thể sẽ thích hợp hơn là tự mình tìm đồ ăn. Đương nhiên, bạn có thể đề nghị cùng vào bếp và giúp họ một tay trong việc dọn bữa.
Lục lọi các ngăn kéo
Kể cả khi mục đích của bạn chỉ là tìm kiếm một món đồ gì đó không quá riêng tư, cách bạn lục tìm ngăn kéo, cabin cũng là sự xâm phạm. Tránh việc lục những chỗ kín đáo, ngoài tầm mắt của chủ nhà, bởi như thế, bạn vô tình có thể phát hiện ra những điều mà họ không muốn ai biết.
Xem xét bàn làm việc, máy tính, các hóa đơn
Đây thực sự là các nơi “nhạy cảm”, có liên quan tới công việc riêng tư của chủ nhà. Thêm vào đó, sự động chạm của bạn có thể làm xáo trộn đồ của họ theo cách không mong muốn.
Làm hỏng, vỡ đồ đạc
Khi đến chơi nhà người khác, nếu không cẩn thận, chúng ta hoàn toàn có thể làm vỡ bình hoa, chai lọ, cốc tách; đặc biệt với những người đưa theo trẻ con nghịch ngợm.
Chuyên gia về nghi thức, ứng xử Genevieve Dreizen cho biết, những đồ dễ vỡ được chia thành ba loại: giá cả phải chăng để thay thế, hết tiền để thay thế, vô giá và không thể thay thế. Nếu vị khách có đủ khả năng để thay thế món đồ, hãy chủ động, khéo léo mua đền một cách nhanh chóng, tử tế kể cả khi không được yêu cầu.
Trong trường hợp món đồ vỡ vượt quá ngân sách, nên trò chuyện với chủ nhà và xem phương án bồi thường phù hợp. Trong trường hợp món đồ là vô giá, người làm vỡ nên xem xét có thể sửa chữa cho chủ nhà hay không.
“Trong bất kỳ tình huống nào trong ba tình huống này, một lời xin lỗi luôn là điều cần thiết. Đừng để chủ nhà phàn nàn về điều này một cách sau buổi gặp”, chuyên gia chia sẻ.
Uống quá nhiều bia, rượu, ăn uống bừa bãi
Dịp cuối năm, những bữa tiệc liên hoan thường xuyên diễn ra khiến việc sử dụng đồ uống có cồn cũng tăng lên. Kể cả khi chủ nhà và khách rất hào hứng, các thăm dò cho thấy tốt nhất các vị khách nên hạn chế uống rượu.
Không chủ nhà nào thích khách uống say khướt, thậm chí nôn mửa hoặc ngủ trên sofa nhà họ. Vì vậy, các vị khách chỉ nên uống chừng mực và lịch thiệp từ chối những lời mời cạn ly khi thấy mình đã uống đủ.
Ngoài ra, theo chuyên gia, việc có người đến chơi nhà đồng nghĩa với việc chủ nhà phải nấu ăn và dọn dẹp nhiều hơn. Điều này có thể là một gánh nặng, khi chủ nhà buộc phải trở thành đầu bếp. Nếu có thể, nên mời gia chủ ra ngoài ăn.
Sử dụng phòng và đồ đạc cá nhân của gia chủ
Theo các chuyên gia về nghi thức ứng xử xã hội, việc giữ cho ngôi nhà của bạn gọn gàng là điều cần thiết nhưng việc giữ cho ngôi nhà của người khác sạch sẽ còn quan trọng hơn.
Chiếm dụng không gian riêng tư của gia chủ, ví dụ như phòng ngủ, phòng tắm, bàn trang điểm, dùng đồ đạc của họ là những điều tối kỵ. Đôi khi, việc lưu trú của vị khách có thể là gánh nặng đối với chủ nhà, vì thế, cần giảm tối đa việc gây phiền hà.
Theo chuyên gia về các nghi thức xã hội Jules Hirst, việc lưu trú của bạn có thể là một gánh nặng đối với chủ nhà, vì thế, cần giảm tối đa việc gây phiền hà. Hãy thể hiện sự đánh giá cao đối với việc chủ nhà cho phép bạn ở lại bằng cách giữ mọi thứ gọn gàng và ngăn nắp, không động vào đồ riêng tư của họ. Ngoài ta, tuyệt đối không tự ý mở tủ lạnh lấy đồ ăn hay ngó nghiêng phòng ngủ của họ.
Không nghe lén những cuộc nói chuyện riêng của chủ nhà
Khi đến chơi nhà người khác, việc giữ phép lễ và tôn trọng quyền riêng tư là rất quan trọng. Nghe lén hay theo dõi các cuộc trò chuyện không liên quan đến mình không chỉ là hành vi thiếu tôn trọng, mà còn đánh mất niềm tin với chủ nhà.
Đến chơi nhà quá sớm hoặc quá muộn
Mỗi gia đình có thói quen sinh hoạt khác nhau, có người ngủ sớm cũng có người thức dậy muộn. Một nguyên tắc hay khi đến thăm ai đó là hãy thực sự cố gắng đừng đến quá sớm, khi chủ nhà chưa dậy hoặc chưa sẵn sàng đón khách. Trong trường hợp bất khả kháng, vị khách nên cố gắng giữ im lặng tối đa có thể, thay vì gây tiếng ồn hoặc làm xáo động lối sinh hoạt vào buổi sáng của các thành viên khác trong gia đình.
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhắc nhở khi đến chơi nhà người khác, không nên ở lại quá khuya. Đôi khi chủ nhà lịch sự không thể mời khách ra về nhưng họ sẽ mệt mỏi nếu phải tiếp chuyện vị khách quá muộn, ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của gia đình và bản thân.
Ở lại quá lâu
Nguyên tắc vàng của việc đến chơi nhà ai đó là không được ở lại lâu đến mức trở thành gánh nặng hoặc phiền toái cho họ. Theo các chuyên gia, tốt nhất vị khách nên xác định rõ sẽ ở lại bao lâu để tránh vấn đề này.
Chuyên gia Hirst cho biết: “Đừng kéo dài chuyến thăm của bạn vì bạn không biết chủ nhà đã lên kế hoạch gì sau đó. Sự kéo dài thời gian lưu trú có thể gây phiền hà cho chủ nhà, thậm chí làm sứt mẻ mối quan hệ”.